Chi phí sinh hoạt ở Đài Loan thấp hơn so với các nước thuộc khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các nước Châu Âu bởi mức sống ở Đài Loan hầu như tương đương với Việt Nam. Nếu các bạn sinh viên còn băn khoăn về số tiền cần chuẩn bị thì bài viết dưới đây, MMH sẽ giúp bạn ước tính trước chi phí sinh hoạt ở Đài Loan.
I. Các chi phí sinh hoạt ở Đài Loan khi đi du học:
1. Học phí:
Tùy vào trường và hệ đào tạo mà có học phí khác nhau, trường Công lập & trường Tư nhân cũng không có sự chênh lệch học phí quá nhiều.
- Hệ Ngôn ngữ: Khoảng 24.000 – 28.000 NTD/ Kỳ (~ 18 – 21 Triệu VNĐ)
- Hệ Đại học: Dao động từ 45.000 – 55.000 NTD/ Kỳ (~ 34 – 41 triệu VNĐ) tùy vào ngôn ngữ học tiếng Trung hay tiếng Anh.
- Hệ Vừa học vừa làm – Hệ Tự túc: 45.000 – 55.000 NTD/ Kỳ (~ 34 – 41 triệu VNĐ)
- Hệ 1 + 4: 15.000 – 30.000 NTD/ Kỳ (~ 11 – 22,5 triệu VNĐ)
- Hệ Thạc sĩ – Tiến sĩ: Khoảng 45.000 – 55.000 NTD/ Kỳ (~ 34 – 41 triệu VNĐ)
Chương trình Đại học – Thạc sĩ – Tiến sĩ – Vừa Học Vừa Làm mỗi năm có 2 kỳ, bắt đầu vào tháng 2 và tháng 9. Riêng Chương trình Ngôn ngữ mỗi học kỳ từ 2-3 tháng, một năm có 4 kỳ. Để biết thêm chi tiết về học phí của từng trường, bạn có thể tham khảo thêm tại Website của trường đó hoặc truy cập vào ĐÂY để tìm kiếm.
Rất nhiều trường ở Đài Loan có chế độ học bổng đa dạng và Chính phủ Đài Loan cũng có nhiều chính sách học bổng dành cho du học sinh nói chung và du học sinh Việt Nam nói chung. Bạn có thể săn học bổng để giảm nhẹ chi phí, thậm chí còn được trợ cấp hàng tháng nếu đạt được học bổng có giá trị cao. Tuy nhiên sẽ có trường hợp bạn nộp học phí trước rồi sẽ được hoàn học bổng sau.
2. Bảo hiểm:
Phí bảo hiểm Bảo hiểm Y tế toàn dân – National Health Insurance (NHI) cho du học sinh quốc tế cần đóng là 749 NTD/ 1 tháng, tương đương với 4.494 NTD mỗi học kỳ (~ 4 triệu VNĐ)
Đối với sinh viên vừa nhập học chưa có thẻ cư trú (ARC) có thể mua Bảo hiểm Quốc tế có thời hạn bảo hiểm kéo dài ít nhất đến khi bạn nhận được thẻ cư trú (ARC) hoặc một phương án tiện hơn đó là mua Bảo hiểm Y tế/ Bảo hiểm Tai nạn từ trường.
3. Thẻ cư trú (ARC):
Với thời hạn thẻ cư trú 1 năm thì chi phí làm thẻ khoảng 1.000 NTD (Khoảng 800 nghìn VNĐ)
4. Chi phí sinh hoạt khác ở trường:
Ngoài học phí, tùy vào trường mà sẽ có chi phí sinh hoạt khác như phí Internet và phí Khám sức khỏe đầu năm khác nhau.
- Phí Internet dao động khoảng 1.000 NTD/ Kỳ (~ 800 nghìn VNĐ)
- Phí Khám sức khỏe đầu năm khoảng 3.000 NTD/ Lần (~ 2,2 triệu VNĐ)
- Sách vở khoảng 3.000 – 5.000 NTD ( ~ 2 – 5 triệu VNĐ)
5. Nhà ở & Ký túc xá:
Ký túc xá (KTX):
Tùy thuộc vào cơ sở vật chất, số lượng người/ 1 phòng mà mỗi trường sẽ có mức giá phòng KTX khác nhau.
Trung bình chi phí sẽ dao động khoảng 10.000 – 13.000 NTD/ Kỳ (~ 10 triệu – 13 triệu VNĐ). Mỗi kỳ sẽ từ 4-5 tháng.
Vào học kỳ hè thì giá ký túc xá sẽ rẻ hơn khoảng 2.500 – 3.600 NTD/ Kỳ (~ 2 triệu – 3 triệu VNĐ)
Nhà ở:
Với các bạn có nhu cầu thuê nhà ở ngoài, chi phí sẽ tùy vào khu vực, thành phố. Thông thường, hợp đồng thuê nhà là 6 tháng hoặc 1 năm.
Ở khu vực thường, trong khoảng 4.000 – 7.000 NTD/ tháng (~ 3 – 5 triệu VNĐ) là bạn đã có thể chọn cho mình một căn phòng ưng ý. Tuy nhiên, tùy vào loại phòng, vị trí, chất lượng, phí thuê có thể lên đến 19.000 NTD/ tháng (~ 14 triệu VNĐ)
Khu vực Đài Bắc, giá thuê nhà có thể sẽ cao hơn, trung bình sẽ rơi vào khoảng 7.000 – 11.000 NTD/ tháng cho 1 căn hộ studio (khoảng 5 triệu – 8 triệu VNĐ).
Điện nước:
Điện nước cũng là một phần của chi phí sinh hoạt. Dù ở ký túc xá hay nhà ở thì bạn vẫn phải đóng tiền điện nước:
- Đối với các bạn ở KTX, nhà trường sẽ yêu cầu đóng tiền điện nước theo mùa, vì mùa hè sẽ tốn điện hơn vì sử dụng điều hòa.
- Giá điện trung bình tại Đài Loan là 2.6253 NTD/kwh (~ 2 nghìn VNĐ), tính theo số lượng bạn sử dụng.
6. Ăn uống & Chi phí sinh hoạt cá nhân:
Ăn uống
Chi phí ăn uống ở Đài Loan khá tương đồng với Việt Nam, không quá đắt đỏ:
- 1 suất cơm bình dân: 50 – 100 NTD (~ 38 – 75 nghìn VNĐ)
- Ổ bánh mỳ: 40 – 60 NTD (~ 30 – 45 nghìn VNĐ)
- Nước uống: 20 – 50 NTD (~ 15 – 38 nghìn VNĐ)
- Bắp cải (1 kg): 39 NTD (~ 30 nghìn VND)
- Gạo (1 kg): 60 NTD (~ 45 nghìn VND)
- Sữa (1800ml): 150 NTD (~ 112 nghìn VND)
- Trứng (10 quả): 40 NTD (~ 30 nghìn VND)
- Coca Cola (chai nhựa 600ml): 30 NTD (~ 23 nghìn VND)
Nói chung, chi phí dao động từ 60 – 150 NTD/ bữa (~ 45 – 80 nghìn VNĐ/ bữa). Riêng đồ ăn và thực phẩm ở Đài Bắc có chút cao hơn nhưng không quá đắt.
Ngoài ra bạn có thể dễ dàng tìm thấy các khu ăn uống trên mọi nẻo đường. Xung quanh có các cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 như Family Mart, 7Eleven đáp ứng cho bạn những bữa ăn chỉ từ 60 NTD (~ 45 nghìn VNĐ).
Chi phí sinh hoạt cá nhân
Những đồ dùng cá nhân như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dầu gội,v.v. thì sẽ tùy vào tình hình thực tế mà bạn sẽ tự dự tính và cân đối chi phí sinh hoạt cá nhân hợp lý.
Dưới đây là bảng tổng hợp các chi phí sinh hoạt ở Đài Loan:
Danh mục chi phí sinh hoạt | Chi phí | Tương đương VNĐ |
Học phí | 15.000 NTD ~ 55.000 NTD/ Kỳ | 11 triệu – 41 triệu |
Bảo hiểm | 4.494 NTD/ Kỳ | 4 triệu |
Thẻ cư trú (ARC) | 1.000 NTD/ Năm | 800 nghìn |
Chi phí ở trường | 1.000 – 3.000 NTD | 750 nghìn – 2,2 triệu |
Nhà ở & KTX | 4.000 – 19.000 NTD | 3 triệu – 14 triệu |
Ăn uống & Sinh hoạt cá nhân | 8.000 NTD/ Tháng | 6 triệu |
II. Làm sao để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở Đài Loan?
Sau khi du học Đài Loan, bạn có thể ước lượng chi phí sinh hoạt và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý giúp tiết kiệm được chi phí sinh hoạt ở Đài Loan. Dưới dây có một vài bí quyết để bạn lưu lại:
- Chọn trường có học bổng hoặc học phí tốt để được miễn học phí/ KTX
- Chọn trường hoặc nơi ở gần chợ đêm, ở những nơi có nhiều việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập
- Nếu tự nấu ăn thì sẽ tiết kiệm được một khoảng kha khá. Có thể đăng ký phần ăn trong trường học chỉ tốn 6.000 NDT/ tháng, hoặc bạn có thể tự nấu ăn mang theo.
- Dự trù chi phí mua đồ đạc, quần áo, chi phí mang theo trong thời gian đầu nhập học ở Đài Loan (Dưới 100 nghìn NTD khi nhập cảnh)
- Phân phối dần các khoảng chi phí cần trả trước rồi có thể nhờ người nhà chuyển thêm sau.
(Tỉ giá 1 NTD = 750,52 VNĐ)
Chi phí sinh hoạt ở Đài Loan không quá cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Các bạn du học sinh có thể tự mình điều chỉnh và cân đối sao cho tiết kiệm được chi phí sinh hoạt nhất có thể mà vẫn đáp ứng được nhu cầu, sở thích, đam mê cá nhân.